Đặc điểm của “tấn công hội đồng” là có chuẩn bị từ trước, chọn địa điểm và thời điểm tấn công sao cho nạn nhân bị bất ngờ nhất và không có sự trợ giúp từ bên ngoài.
Thượng tá Trịnh Kim Vân (nguyên điều tra viên cao cấp, Công an TP Hà Nội) cho biết, đặc điểm của “tấn công hội đồng” là có chuẩn bị từ trước, chọn địa điểm và thời điểm tấn công sao cho nạn nhân bị bất ngờ nhất và không có sự trợ giúp từ bên ngoài.
Nạn nhân bị “đòn hội đồng” tối tăm mặt mũi, mất khả năng kháng cự nên thường bị đánh đập rất dã man. Ác tính trong tâm lý kẻ tấn công cũng có tính “lây lan” và không có điểm dừng, nên hậu quả của những vụ án kiểu này thường rất nặng nề.
Để bảo toàn tính mạng, thượng tá Vân khuyên:
– Nếu bị một nhóm người đuổi theo, chặn đường gây sự, bạn cần nhanh chóng xuống xe, khóa cổ rồi vừa bỏ chạy vừa hô hoán. Tuyệt đối không hỏi han, đôi co, cãi vã.
– Nếu bị vây kín, bạn không nên đứng giữa vòng vây mà hãy tựa lưng vào tường, cột điện, cây cối, để tránh bị đánh lén từ phía sau. Bạn có thể chống trả, chủ động xông vào đánh tên yếu nhất, mở “đường máu” để bỏ chạy.
– Trường hợp bị vây không chạy được, bạn cần bảo vệ các vị trí hiểm trên cơ thể như bộ hạ, thái dương, gáy, bụng… bằng cách liên tục di chuyển.
– Hãy la hét kêu cứu thật to để thu hút sự trợ giúp của người khác. Nạn nhân được quyền phòng vệ chính đáng, nghĩa là được phép chống trả một cách cần thiết để ngăn chặn hành vi tấn công, tự bảo vệ mình. Nếu vơ được gậy gộc, gạch đá làm vũ khí, được phép tự vệ, đánh lại đối tượng đang tấn công mình.
– Hãy bỏ chạy ngay khi có thể, vừa chạy vừa hô: “cháy nhà” hoặc “cướp”, sẽ thu hút sự tò mò của người dân, khiến kẻ gây sự ngại mà bỏ đi. Những nơi cần chạy đến như trụ sở cơ quan Công an, các tổ CSGT trên đường.
– Nếu bỏ chạy vào nhà dân, bạn nên vào phòng có cửa an toàn, đóng lại và gọi điện báo cảnh sát 113 và người nhà. Bạn hãy nói với chủ nhà rằng bị cướp để nhờ họ giấu người và báo cảnh sát.
– Bạn cố gắng quan sát đặc điểm đối phương, biển số xe để trình báo với công an.
Kỹ Năng Sinh Tồn